phòng chống kháng thuốc

Đăng lúc: 08:22:37 18/04/2019 (GMT+7)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc

 

BÀI TUYÊN TRUYỀN

PHÒNG, CHỐNG KHÁNG THUỐC

 

Thuốc kháng sinh ra đời là bước ngoặc trong Y học về điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Từ khi phát hiện ra kháng sinh penicilline đến nay, hàng trăm loại kháng sinh và các thuốc tương tự đã được phát minh và đưa vào sử dụng. Sự ra đời của kháng sinh đã đánh dấu kỷ nguyên phát triển mới của y học về điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. 

Ngoài vai trò trong y học đối với loài người, thuốc chống vi khuẩn còn được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, cũng như cho mục đích sản xuất.

Sử dụng kháng sinh có lợi ích to lớn trong điều trị, chăm sóc người bệnh và cả thú y khi được kê đơn và điều trị đúng. Tuy nhiên, những loại thuốc này đã được sử dụng rộng rãi, kéo dài, lạm dụng, làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc không hiệu quả. Tình trạng kháng thuốc không chỉ là mối lo ngại của các bác sỹ lâm sàng trong điều trị mà còn là mối quan tâm chung của toàn xã hội đối với sức khỏe cộng đồng.

Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh… sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng… gây bệnh.

Kháng thuốc là tình trạng các vi sinh vật (như vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng) kháng lại các thuốc kháng sinh đã có tác dụng với các vi sinh vật này trước đây.

Kháng thuốc ngày nay là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển. Thế giới mỗi năm có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc và gánh nặng chi phí cho vấn đề này là rất lớn. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai. Các chuyên gia y tế chỉ ra rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc, trong đó có việc, người bệnh sử dụng thuốc kháng khuẩn không thích hợp như: sử dụng không đúng kháng sinh, không đúng hàm lượng, lạm dụng kháng sinh, không theo phác đồ chỉ dẫn, không làm kháng sinh đồ và tự ý dùng kháng sinh không theo chỉ dẫn của bác sỹ.

 “Không hành động hôm nay, ngày mai không có thuốc chữa” là khẩu hiệu mà Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các nước cùng chung tay phòng chống kháng thuốc, trong đó có Việt Nam.

Nhân sự kiện này, hưởng ứng tuần lễ truyền thông phòng, chống kháng thuốc:

* Mỗi dân hãy là người tiêu dùng thông thái, chỉ nên mua kháng sinh theo đơn của bác sĩ và sử dụng đúng theo hướng dẫn.

* Các y bác sĩ tuân thủ đúng hướng dẫn chuyên môn và sử dụng kháng sinh khi thực sự cần thiết.

5 điểm cần lưu ý khi sử dụng thuốc kháng sinh

1. Kháng sinh không dùng để điều trị các bệnh do virus gây ra như cảm, cúm: Kháng sinh không có hiệu quả đối với tất cả các lây nhiễm. Kháng sinh chỉ có hiệu quả đối với vi khuẩn chứ không phải đối với các loại lây nhiễm như virus, nguyên nhân của cảm, cúm.

Sử dụng kháng sinh khi không cần thiết sẽ không giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi và có thể gây ra những tác dụng phụ. Khi người bệnh cảm thấy khá hơn sau khi bị cảm, cúm, thông thường là do hệ thống miễn dịch của cơ thể đang thực hiện các việc để điều trị nhiễm khuẩn.

2. Hãy giữ kháng sinh cho riêng mình: Không dùng chung kháng sinh với người khác. Người khác có thể có những nhiễm khuẩn khác nhau và không thể dùng cùng loại kháng sinh như mình, điều này có thể dẫn đến kháng thuốc.

3. Không dùng kháng sinh còn lại cho lần sử dụng sau.

4. Dùng kháng sinh đúng thời điểm: Nếu bạn được kê dùng kháng sinh, điều quan trọng là bạn phải tuân thủ lời khuyên của bác sỹ là dùng kháng sinh như thế nào, thời điểm nào, dùng trong bao lâu.

5. Hãy thực hiện các bước đơn giản để phòng chống nhiễm khuẩn: che miệng khi ho, hắt hơi. Rửa tay xà phòng, đặc biệt là trước khi chuẩn bị hoặc trước khi ăn hoặc sau khi lau mũi.

                                                                              Hoằng Hải , ngày 10 tháng 4 năm 2019

                                                                                                              Người viết bài

                                                                                      

 

 

                                                                                                                 Lê Thanh Toàn