Tuyên truyền Kỷ niệm 36 năm Ngày Biên phòng toàn dân (03/3/1989-03/3/20250 và 66 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (03/3/1959-03/3/2025).

Đăng lúc: 16:00:33 28/02/2025 (GMT+7)

BÀI TUYÊN TRUYỀN

Kỷ niệm 36 năm Ngày Biên phòng toàn dân (03/3/1989-03/3/20250 và 66 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (03/3/1959-03/3/2025).

 

Đồn Biên phòng Hoằng Trường xin gửi tới cán bộ, nhân dân trong xã nội dung tuyên truyền kỷ niện Ngày truyền thống lực lượng Bộ đội Biên phòng như sau:

Trước tình hình Mỹ can thiệp vào chiến tranh Việt Nam nhất là sau Hiệp định Giơnevơ được ký kết với việc trắng trợn tuyên bố:“Mỹ không bị nội dung Hiệp định này ràng buộc”; từ đó ráo riết hất cẳng Pháp ra khỏi Đông Dương để thống trị miền Nam nước ta bằng chủ nghĩa thực dân kiểu mới; sử dụng bọn tay sai phản động trong nước nổi phỉ, xưng vua, gây bạo loạn ở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, cưỡng ép đồng bào công giáo ở phía Bắc di cư vào Nam; cài cắm gián điệp, biệt kích ra miền Bắc; thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa xã hội, đẩy lùi phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á và trên thế giới…

Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, cần có một lực lượng vũ trang thống nhất, chuyên trách, vững mạnh về chính trị, chặt chẽ về tổ chức; nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; hiểu biết sâu về pháp luật, có năng lực quản lý, bảo vệ biên giới, giới tuyến, nội địa bằng các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu và khả năng chiến đấu vũ trang giỏi. Ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) ra Nghị quyết số 58/NQ-TW về việc xây dựng lực lượng cảnh vệ nội địa và biên cương. Đây là nghị quyết đặc biệt, đầu tiên của Đảng về công tác biên phòng, nội địa và giới tuyến, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của BGQG; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với lực lượng vũ trang chuyên trách, nòng cốt bảo vệ biên giới, giới tuyến và các mục tiêu nội địa. Nghị quyết của Bộ Chính trị xác định lực lượng cảnh vệ nội địa và biên cương có nhiệm vụ: “Trấn áp mọi hành động phá hoại của bọn phản cách mạng trong nước và bọn phản cách mạng ngoài nước xâm nhập phá hoại nước ta, luôn luôn sẵn sàng, chiến đấu để bảo vệ an ninh biên giới, bờ bể, giới tuyến và nội địa, bảo vệ an toàn cho các cơ sở kinh tế, văn hóa quan trọng” và xác định 5 nhiệm vụ cụ thể của lực lượng Cảnh vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến gọi tắt là Cảnh vệ biên phòng; 5 nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ nội địa. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 03/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg, tại Điều 1 nêu rõ:“Thống nhất các đơn vị bộ đội Quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an Biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an nhân dân vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an”.

Tại buổi Lễ thành lập lực lượng ngày 28/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và huấn thị cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang (CANDVT):

“Đoàn kết, cảnh giác

Liêm chính, kiệm cần

 Hoàn thành nhiệm vụ

 Khắc phục khó khăn

 Dũng cảm trước địch

 Vì nước quên thân

Trung thành với Đảng

 Tận tụy với dân”.

Từ đây, nước ta chính thức có một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác nội địa, biên phòng, tập trung thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, gồm 3 cấp: Trung ương có Ban Chỉ huy Trung ương CANDVT (tháng 7/1961 đổi tên thành Bộ Tư lệnh CANDVT) do đồng chí Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Tư lệnh, kiêm Chính ủy đầu tiên của lực lượng; cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Ban Chỉ huy CANDVT tỉnh, thành phố; cấp cơ sở có các đồn CANDVT đơn vị động. Từ đó, ngày 03/3/1959 chính thức trở thành Ngày truyền thống của lực lượng CANDVT (nay là BĐBP).

Cùng với lực lượng BĐBP cả nước, BĐBP Thanh Hóa được thành lập ngày 28/4/1959, với tổ chức, biên chế ban đầu là 2 Ban Chỉ huy gồm: CANDVT Biên phòng làm nhiệm vụ ở biên giới Việt – Lào và CANDVT nội địa làm nhiệm vụ bảo vệ bờ biển và các mục tiêu nội địa. Đến nay, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thanh Hóa có 18 đơn vị cơ sở, trong đó có Ban Chi Chỉ huy BPCK cảng Nghi Sơn, 15 Đồn Biên phòng, 01 Hải đội 2 và 01 Tiểu đoàn HL-CĐ.

Đồn Biên phòng Hoằng Trường tiền thân là Đồn Công an nhân dân vũ trang số 5 được thành lập vào ngày 03/3/1959, đóng quân tại xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn, có nhiệm vụ quản lý 30 km bờ biển và 14 xã ven biển thuộc 03 huyện: Nga Sơn, Hậu Lộc và Hoằng Hóa. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc, cũng là địa bàn phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đến năm 1962, Đồn CANDVT số 5 được tách làm 2 đồn, 1 là Đồn CANDVT Lạch Sung, sau này đổi phiên hiệu là Đồn BP 114 và hiện tại là Đồn Biên phòng Đa Lộc quản lý 9 xã của 02 huyện Hậu Lộc và Nga Sơn. 2 là Đồn CANDVT Lạch Trường, đóng tại khu vực Tây Nam cửa Lạch Trường thuộc xã Hoằng Trường quản lý 12,5km đường biển thuộc địa bàn 05 xã biên giới biển và 02 cửa lạch là Lạch Trường và Lạch Hới.

Đến năm 1966, thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-TW của Bộ Chính trị về điều chỉnh tổ chức lực lượng CANDVT, được chia tách, sáp nhập và đổi tên phiên hiệu. Đồn CANDVT Lạch Trường được đổi tên là Đồn CANDVT 74.

Năm 1986, Đồn CANDVT 74 tiếp tục một lần nữa được đổi tên thành Đồn Biên phòng 118 và năm 2015 lại một lần nữa được đổi tên là Đồn Biên phòng Hoằng Trường như tên gọi ngày nay.

Trong quá trình xây dựng, chiến đấy và trưởng thành, mặc dù với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Hoằng Trường luôn xác định và nhân rõ trách nhiệm được Đảng, Nhà nước giao cho. Tuyệt đối trung thành với Đảng, tận tụy với Nhân dân, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh vùng biển của Tổ quốc, tích cực tham gia xây dựng và củng cố hệ thống chính trị tại 05 xã biên giới biển của huyện, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, tham gia phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Tự hào truyền thống anh hùng của lực lượng BĐBP Thanh hóa nói chung, Đồn Biên phòng Hoằng Trường nói riêng. Mỗi CBCS Đồn Biên phòng Hoằng Trường luôn nhận thức được chức trách, nhiệm vụ được giao, vinh dự được tiếp tục phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Trần Luân Đồn biên phòng Hoằng Trường